
Nhân kỷ niệm 01 năm lập blog, mình có thiết kế phiên bản đặc biệt lấy cảm hứng từ các bài báo khoa học. Nếu bạn hứng thú thì có thể tải về (bản tiếng Anh) tại đây nha!
English version: click here!
Cà phê Việt Nam, theo đánh giá chủ quan của mình, là một trong các loại cà phê ngon nhất thế giới. Thổ nhưỡng ở vùng Tây Nguyên, thủ phủ của cà phê Việt, thuận lợi để gieo trồng được cả hai loại hạt cà phê phổ biến, Robusta và Arabica. Dân Việt Nam thường uống cà phê rang xay từ hạt Robusta vì giá thành rẻ hơn, còn các nước Âu-Mỹ lại chuộng hạt Arabica hơn. Hai loại hạt này, nếu so sánh với cùng cách rang xay và pha chế, nước cốt cà phê từ hạt Robusta chứa nhiều caffein hơn, sắc nâu sậm hơn, vị đậm và tương đối đắng hơn; trong khi với hạt Arabica, nước cốt chứa ít caffein hơn, cho màu nâu sáng hơn, ít đắng hơn và cho dư vị thanh chua nơi cuống họng. (Hiển nhiên là rang càng lâu, hạt cà phê “cháy” nhiều hơn thì nước cốt cà phê sẽ đắng nhưng ít caffein hơn đó). Màu sậm và vị đắng của nước cốt cà phê từ hạt Robusta sẽ thích hợp để pha cà phê sữa đá hơn, trong khi nước cốt cà phê từ hạt Arabica lại thích hợp để uống nóng. Thêm nữa là bột cà phê espresso, cà phê hoà tan hay cà phê Arabica mà giá rẻ không ngờ thì thường sẽ có một phần hạt Robusta độn trong đấy. Điều này cũng lý giải vì sao cà phê đen hoà tan có vị đắng nhiều.
Khi đi mua cà phê thì bạn sẽ có khi thấy trên bao bì có ghi “mức rang/cháy” (roaste level) của cà phê và tự hỏi là vậy thì mình nên chọn loại nào. Tụ chung lại thì phụ thuộc vào khẩu vị và style uống cà phê của mình nữa. Nếu muốn thưởng thức trọn vẹn hương vị của tách cà phê bạn vừa pha, chọn loại cà phê được rang “nhẹ” và “vừa” (light & medium roast). Nếu muốn thưởng thức cùng sữa hoặc sữa kem, chọn những loại được rang lâu và sậm màu hơn (medium-dark & dark roast). Cà phê rang vừa chín tới thì cho nước cốt cà phê màu nâu trong với hàm lượng caffein nhiều nhất; cà phê rang đậm cho nước cốt cà phê sậm màu hơn và chứa ít caffein nhất (do caffein thăng hoa ở nhiệt độ cao). Và theo mình nhận thấy thì nếu kết hợp hạt cà phê rang vừa chín tới và rang hơi sậm với nhau (light & medium-dark roast) sẽ vừa đủ đậm để uống với sữa hoặc sữa kem, lại vừa đủ mạnh đúng gu mình muốn.
Trở lại với lý do chính cho bài viết này, khi mình gọi “Cà phê Việt Nam” ở một số tiệm trà sữa hay tiệm ăn Việt ở Mỹ, thức uống mình nhận được pha từ cà phê hoà tan Việt Nam và điều này khiến mình rất là thất vọng! Biết là cà phê hoà tan Việt Nam cũng khá là chất lượng đó, nhưng đó không phải là ly cà phê sữa đá Việt Nam nổi danh với bạn bè thế giới. Thử nghĩ xem, nếu một vị khách chưa hề thử qua cà phê Việt trước đó, chỉ nghe danh thôi rồi vào quán và gọi món thức uống trên menu, thử qua rồi cho là, “ô chất lượng của cà phê Việt là như này”… thì là sai quá sai đó! Vì vậy, trong bài viết này, mình muốn chia sẻ làm sao để thưởng thức cà phê Việt đơn giản mà lại đúng gu đúng điệu.
(Thiệt chứ pha cà phê Việt đúng điệu dễ ợt mà sao họ lại không làm ha? Ở đây có siêu thị Việt và siêu thị châu Á bán đầy cà phê Việt luôn á. Trên Amazon cũng có luôn. Mình cứ băn khoăn mãi thôi…)
Ở Việt Nam, cà phê thường được pha phin hoặc pha vợt.
– Để pha “Cà phê phin”, bột cà phê sẽ được cho vào trong phin và nén nhẹ bằng cách thả nắp gài lên; đặt phin cà phê lên trên khay đi kèm rồi đặt cả bộ phin lên trên ly đựng; châm nước sôi đến cỡ 3/4 phin, đậy nắp rồi thong thả đợi cà phê nhỏ giọt xuống ly đựng. Khâu nén cà phê khá là quan trọng, nếu không nén chặt và đều thì khi châm nước sôi, nắp gài sẽ bung ra và nổi lên theo mực nước châm do cà phê nở ra. Một số loại phin về sau có vít cài ở bên trong, mình nghĩ như vậy rất là tiện lợi cho những ai mới bắt đầu pha cà phê phin.
– Để pha “Cà phê vợt”, bột cà phê sẽ được cho vào một túi vải có tay cầm (mình hay gọi là vợt cà phê). Vợt cà phê sẽ được đặt vào một cái ấm nhôm cao hoặc là ấm làm bằng đất nung, rồi chế nước sôi vào. Thường thì người pha sẽ khuấy sơ sơ để bột cà phê hòa đều với nước nóng, rồi đậy nắp ấm lên, bắc lên bếp lửa liu riu để hãm cà phê cho tới khi dùng. Cách pha này giúp cho nước cốt cà phê đậm, lượng caffein nhiều hơn (và dễ gây sốc cà phê hơn).
(Hiện tượng “sốc cà phê” hay gặp khi mình lỡ uống lượng cà phê nhiều hơn mức cơ thể mình có thể hấp thụ được. Triệu chứng phổ biến là tay rung, phấn khích hơn bình thường, đau đầu, tim đập nhanh. Do mình từng trải qua nên mình khá rõ…)


Khi pha ở nhà thì mình hay dùng Cà phê Trung Nguyên Premium Blend hoặc Creativity 4 (Sáng tạo 4) (xem ảnh dưới đây) do giá phải chăng mà lại ngon. Hai sản phẩm này pha trộn hai loại Robusta và Arabica, cho nước cốt cà phê mạnh đúng gu (kha khá caffein ở trỏng) kèm theo lưu hương cà phê lâu và thoang thoảng hương sô-cô-la nữa, hậu vị êm không gắt cổ. Về hình thức thì nước cốt cà phê có màu nâu cánh gián đẹp mắt. Hai loại này rất hợp để uống hằng ngày, pha cà phê đen đá hay cà phê sữa đá đều ngon.



Để tiện thì mình dùng French press và ấm pha cà phê (dùng túi vải) cho na ná với “Cà phê phin” và “Cà phê vợt” nói trên. Với công thức này mình dùng 8 muỗng canh (tablespoons) bột cà phê pha trong khoảng 1 lít nước sôi, được khoảng 6 – 8 ly (120 – 160 mL mỗi ly) hoặc nếu mà mọi người uống nhiều như mình thì được chừng 3 – 4 ly thôi… haha…!
- Dùng French press (loại chuẩn 8 cốc, dung tích cỡ 1 L): Cho bột cà phê vào French press, rồi cho khoảng ~250 mL nước sôi vào ngập bột cà phê. Đậy nắp và để yên cho bột cà phê nở đều cỡ 5-10 phút. Sau đó, mở nắp và châm nước sôi đến vạch tối đa của French press, đậy nắp và để cho ra nước cà phê tới lúc uống. Khi muốn thưởng thức thì đẩy nhẹ phần lưới lọc xuống rồi rót nước cốt cà phê vào một cái cốc thật đẹp (hay bất kỳ cốc/ly nào mà bạn thích), thêm đường, sữa và đá tùy khẩu vị nhé.
- Dùng ấm pha cà phê (dung tích cỡ 1 L): Cho bột cà phê vào túi vải (loại chuyên dành cho pha cà phê) rồi đặt túi vải ấy vào trong ấm. Cho khoảng ~250 mL nước sôi vào, đậy nắp và đặt lên bếp ở lửa liu riu trong khoảng 15 – 20 phút. Sau đó, tắt bếp, mở nắp và châm nước sôi đầy ấm, rồi đậy nắp và để cho ra nước cà phê tới lúc uống. Khi muốn thưởng thức thì rót nước cốt cà phê vào một cái cốc thật đẹp (hay bất kỳ cốc/ly nào mà bạn thích), thêm đường, sữa và đá tùy khẩu vị nhé.
- Trữ cà phê pha sẵn như thế nào? Gần phần đáy của French press và ấm cà phê thường có rất nhiều cặn lẫn trong nước cốt cà phê nhưng hoàn toàn có thể loại bỏ bằng cách lọc qua giấy lọc cà phê thôi. Mình khuyên là nên trữ cà phê đã pha trong chai hoặc bình thủy tinh (để tránh cà phê làm ố chai nhựa), bảo quản ở ngăn mát. Thiệt tình thì mình không rõ có thể bảo quản trong bao lâu, do mình dùng cái vèo là hết rồi… Chắc là mọi người có thể làm chút “thí nghiệm nho nhỏ” và cho mình biết sau vậy!




Trải nghiệm cà phê Việt Nam:
– Cà phê đen đá, “Đen đá”: thêm 1 muỗng cà phê đường cho mỗi cốc cà phê, khuấy đều cho tan đường. Thêm đá và thưởng thức!
– Cà phê sữa đá, “Nâu đá”: thêm 1 muỗng canh (tương đương với 3 muỗng cà phê) sữa đặc cho mỗi cốc cà phê, khuấy đều cho sữa và cà phê hòa quyện với nhau. Thêm đá và thưởng thức! (như hình dưới đây)





Một số bài viết hữu ích về cà phê cho mọi người tham khảo:
- 4 Types of Coffee Beans: Profiles, Pictures & More! bởi Kate MacDonnell
- What is a Vietnamese Phin Filter? (And How to Use It) bởi The Nguyen Coffee Supply
- 4 Types of Coffee Roasts (Explained with Images) bởi Coffee Affection
Woohoo! Bạn đã đọc hết bài viết dài sọc này rồi đó! Cảm ơn bạn nhiều nhé! Một tràng pháo tay cho tình yêu cà phê to bự của bạn nè! Chúc cho mỗi lần bạn thưởng thức cà phê thì đều là ly cà phê ngon lành nhé! ☕️😊
Thưởng thức cà phê Việt tại xứ cờ hoa
Equipment
- 1 French press dung tích cỡ 1 L
- 1 m pha cà phê dung tích cỡ 1 L
Ingredients
- 8 tbsp Bột cà phê Cà phê Trung Nguyên Premium Blend hoặc Creativity 4 (Sáng tạo 4)
- 1 L Nước sôi
- ường, sữa, sữa đặc tùy khẩu vị
- Ice tùy khẩu vị
Instructions
Cách 1: Dùng French press
- Cho bột cà phê vào French press. Cho khoảng ~250 mL nước sôi vào ngập bột cà phê.
- Đậy nắp và để yên cho bột cà phê nở đều cỡ 5-10 phút.
- Sau đó, mở nắp và châm nước sôi đến vạch tối đa của French press, đậy nắp và để cho ra nước cà phê tới lúc uống.
- Khi muốn thưởng thức thì đẩy nhẹ phần lưới lọc xuống rồi rót nước cốt cà phê vào một cái cốc thật đẹp (hay bất kỳ cốc/ly nào mà bạn thích), thêm đường, sữa và đá tùy khẩu vị nhé.
Cách 2: Dùng ấm pha cà phê
- Cho bột cà phê vào túi vải (loại chuyên dành cho pha cà phê) rồi đặt túi vải ấy vào trong ấm.
- Cho khoảng ~250 mL nước sôi vào, đậy nắp và đặt lên bếp ở lửa liu riu trong khoảng 15 – 20 phút.
- Sau đó, tắt bếp, mở nắp và châm nước sôi đầy ấm, rồi đậy nắp và để cho ra nước cà phê tới lúc uống.
- Khi muốn thưởng thức thì rót nước cốt cà phê vào một cái cốc thật đẹp (hay bất kỳ cốc/ly nào mà bạn thích), thêm đường, sữa và đá tùy khẩu vị nhé.
Trải nghiệm cà phê Việt Nam:
- – Cà phê đen đá, "Đen đá": thêm 1 muỗng cà phê đường cho mỗi cốc cà phê, khuấy đều cho tan đường. Thêm đá và thưởng thức!
- – Cà phê sữa đá, "Nâu đá": thêm 1 muỗng canh (tương đương với 3 muỗng cà phê) sữa đặc cho mỗi cốc cà phê, khuấy đều cho sữa và cà phê hòa quyện với nhau. Thêm đá và thưởng thức!
Notes
- Trữ cà phê pha sẵn như thế nào? Gần phần đáy của French press và ấm cà phê thường có rất nhiều cặn lẫn trong nước cốt cà phê nhưng hoàn toàn có thể loại bỏ bằng cách lọc qua giấy lọc cà phê thôi. Mình khuyên là nên trữ cà phê đã pha trong chai hoặc bình thủy tinh (để tránh cà phê làm ố chai nhựa), bảo quản ở ngăn mát.
One thought on “Thưởng thức cà phê Việt tại xứ cờ hoa”